Hòa nhập văn hóa

Hòa nhập văn hóa

Bài này đặc biệt viết dưới góc nhìn của một người nhập cư từ Châu Á tới Bắc Mỹ.

Vợ chồng mình là thế hệ đầu 9x, thời kì mà công nghệ, internet và cả kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển, hội nhập. Thế hệ 9x cũng vẫn còn rất may mắn được trải nghiệm những điều xưa cũ của các anh chị thời 8x. Hồi nhỏ ở quê, khi mà chưa có máy tính, internet, điện thoại thông minh, tụi mình vẫn được ra đồng với bố mẹ ông bà, chạy nhảy, chơi đùa các trò chơi kinh điển như bắn bi, trốn tìm, nhảy dây, v.v... Lớn lên một chút thì đc trải nghiệm các trò chơi điện tử, game online như Audition, MU, Võ Lâm Truyền Kì. Lớn hơn nữa thì lên thành phố lớn học đại học, chứng kiến Hà Nội, Sài Gòn đổi thay nhanh chóng. Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam mở cửa hàng, hàng loạt chung cư mọc lên, ô tô giờ đã đầy đường. Có thể nói thế hệ mình chính là thế hệ của những đổi thay, thích ứng, thích nghi nhanh chóng.

Năm 2021, khi hai vợ chồng đang có công việc phát triển ngon lành, cuộc sống bận rộn và vui vẻ ở Sài Gòn, chúng mình nghĩ tới những bước tiếp theo để phát triển bản thân và gia đình. Cuối cùng, cả hai quyết định đi Canada thử xem sao. Trước đó sếp của vợ mình, một chị Director gần như là hình mẫu hoàn hảo cho vợ mình, với gia đình cũng có thể nói là hoàn hảo quyết định đi Canada, bỏ lại sự nghiệp ở Việt Nam. Chúng mình nghĩ rằng Canada phải có gì đó lớn lao, hấp dẫn lắm mới thuyết phục được gia đình chị ấy như vậy. Với hình dung của chúng mình và tìm hiểu qua internet, mạng xã hội, Canada phải là một nơi xã hội hiện đại, công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp phát triển, con người văn minh lịch sự, một nơi đáng để sống và có nhiều khả năng để phát triển hơn Việt Nam. Rồi một ngày tháng 7, chúng mình có visa, trở về quê nội quê ngoại để tạm biệt gia đình và lên đường, lòng đầy háo hức mong chờ.

Rồi mình đi học cũng đc một trong những người điểm cao nhất lớp, honor degree, vợ đi làm full time công việc remote ngon lành. Ra trường mình cũng có công việc full time đúng chuyên ngành ngay lập tức, đi làm office với các bạn bản xứ. Rồi thì hai vợ chồng cũng nộp hồ sơ và trở thành Thường Trú Nhân. Sau đó mua nhà, mua xe, sống như những người bản xứ bên này vậy. Vợ chồng mình cũng sinh em bé đầu tiên ở Canada này nữa. Nghe có vẻ mọi thứ đều thuận lợi, ngon lành. Sau 3 năm, tất cả dường như đã đi vào guồng ổn định.

Nhưng không phải, từ sâu trong lòng, chúng mình cảm thấy vẫn chưa hòa nhập được với xã hội phương tây, cụ thể hơn là Bắc Mỹ này.

  • Mình không thẩm nổi những cái "jokes" của mấy đứa bản xứ. Không hiểu sao tụi nó cười phá lên, mình thấy nhạt toẹt nhưng phải giả bộ cười theo.
  • Mình ko xem truyền hình, shows, phim, hòa nhạc mà tụi nó hay xem hoặc đã từng xem. Nên đôi khi dẫn chứng lời thoại, câu hát mình ko nắm được, không hiểu có ý nghĩa gì.
  • Đồ ăn tây, nếu khi ở Việt Nam thỉnh thoảng thưởng thức thì ngon, nhưng ko thể ăn hàng ngày được. Bên này họ cũng không nấu nướng đồ tươi mà cũng thường mua đồ đông lạnh đã sơ chế, chỉ bỏ vào làm nóng lại.
  • Kiểu xã giao hỏi han hời hợt "How are you?" cho có chứ không thật sự quan tâm đối phương thế nào. Dù cho có đang super bad mood thì ai cũng vẫn sẽ trả lời "I am good! I am doing well! Not too bad!". Lâu dần nó thành thói quen, thành văn hóa. Mình thì vẫn thích cách hỏi han nhau thật lòng hơn.
  • Ở thành phố nhỏ hiện tại, chúng mình không tìm được những người bạn có chung sở thích, chung chí hướng, nói chuyện được. Nếu không đi làm thì ngoài gia đình mình ra, mình hầu như chẳng trò chuyện với ai cả.
  • Các hoạt động xã hội, thể thao, văn hóa bên này không hấp dẫn được mình. Và nó cũng chỉ có trong mùa hè ngắn ngủi. Các hoạt động vào mùa đông quả thực là vô cùng khó khăn với những người châu á vốn đã quen với khí hậu nhiệt đới như gia đình mình.
  • Văn hóa làng xóm, bên này họ bị nửa vời sao đó :)) vừa thích riêng tư, không thích ai nhòm ngó nhà mình, nhưng cũng lại thích thể hiện (face value) qua các cuộc nói chuyện hoặc mua sắm đồ đạc, trang hoàng, sửa sang nhà cửa. Garage phải rộng đẹp, sắm sửa nhiều dụng cụ (nhưng 99% không dùng tới). Mua thuyền, xe bán tải to đùng (cả mùa hè chỉ dùng 2-3 lần). Dịp lễ hội phải trưng hoa rực rỡ, đèn sáng choang, led chạy dọc nhà. Sáng đèn từ 5 chiều tới đêm hoặc tới sáng luôn.
  • Văn hóa công sở: mặc đồ veston, sơ mi, cà vạt, giày da, cặp táp, tươi cười chào hỏi xã giao. Cái này chắc do tùy công ty nhưng ở thành phố này, đa số mình thấy như vậy, và mình không thích. Mình thấy mặc như vậy không thoải mái, bó buộc, làm việc không hiệu quả. Với mình thì đi làm việc là phải có hiệu quả, hiệu suất cao chứ không phải để nhìn cho có vẻ chuyên nghiệp nhưng làm chẳng ra gì.
  • Văn hóa làm việc: Ở đây mọi người đề cao tính tự giác, trách nhiệm, ít khi ai phải theo dõi, nhắc nhở ai. Mọi người cho rằng mỗi người sẽ tự có trách nhiệm hoàn thành công việc của mình mà không cần ai nhắc nhở. Mình rất thích điều này và mong mọi người đều có trách nhiệm với công việc của mình. Thế nhưng việc này vừa có lợi lại vừa có hại. Nếu cá nhân người đó thông minh, chăm chỉ, có tinh thần trách nhiệm cao thì làm việc với người đó sẽ cực kì hiệu quả. Mặt trái, có vô số đối tượng khôn lỏi lợi dụng điều này. Họ luôn tỏ ra bận rộn, nói nhiều thể hiện mình chuyên nghiệp, làm nhiều việc, nhưng thực chất hiệu quả công việc và kết quả cuối cùng không được bao nhiêu. Vì những người khác lại tin rằng ai cũng có trách nhiệm và tự biết việc của mình để làm, những kẻ lười biếng ít làm này sẽ không bị ai nhắc nhở cả. Đặc điểm của họ là nói vòng vo, kiếm cớ, không đi thẳng trực tiếp vào vấn đề cần giải quyết. Lối làm việc đá bóng, đẩy trách nhiệm sang phía các bên khác chứ ko nhận lỗi hoặc trách nhiệm về mình. Tác phong đá bóng này giống hệt các anh chị công chức nhà nước ở Việt Nam. Một dự án nếu có thể kết thúc trong 1 tháng sẽ kéo dài thành 5-6 tháng. Nếu dự án có thể kết thúc trong 2-3 tháng thì sẽ kéo dài ra cả năm chưa xong, vì họ vẫn đang....."bận". Trong công ty mình đang làm có cả 2 loại người như vậy.
  • Networking: một trong những điều mình ghét nhất khi đi làm công sở. Mình từng muốn sang Canada vì nghĩ rằng ở các nước phát triển sẽ đề cao hiệu quả công việc, nhưng thực tế không phải như vậy. Quan hệ vẫn là con đường thăng tiến thuận lợi nhất. Mình không phủ nhận có mối quan hệ trong một số trường hợp là tốt. Mình chỉ không thích cái cách xã giao để lấy mối quan hệ thăng tiến. Mình muốn tập trung vào chất lượng công việc, cải tiến hiệu suất, hiệu quả làm việc hơn là dành thời gian cho những việc này.
  • Racist, phân biệt chủng tộc: không thể phủ nhận, dù nhiều hay ít vẫn là có nhé. Kể cả ở một nước và dân nhập cư rất nhiều như Canada, dân bản xứ vẫn luôn nhìn dân nhập cư với con mắt khác. Bản thân mình cũng đã từng report một trường hợp bị racist, nhưng mình biết nó cũng sẽ chẳng đi tới đâu cả.

Đấy là còn chưa kể đến vô số đối tượng ăn không ngồi rồi, không đi làm chỉ đợi hưởng trợ cấp, nghiện ngập, hút chích, vô gia cư. Ở mấy nước phát triển, nhân quyền được đề cao một cách thái quá. Họ cho rằng, mấy người nghiệp ngập, hút chích, vô gia cư này là do có họ vấn đề về tâm lý, cần được bảo vệ, chăm sóc????? Với một người lớn lên ở vùng quê Việt Nam như mình, đã từng thấy nhiều gia đình nghèo đến cái ăn từng bữa còn phải lo lắng, thì mình khinh thường mấy đối tượng này. Bản thân chúng nó sinh ra ở một đất nước phát triển là đã hơn cả tỉ người trên trái đất này rồi, vậy mà còn không biết phấn đấu. Ở một đất nước phát triển như thế này, bạn không cần giỏi giang xuất chúng, ko cần ý chí phải mạnh mẽ vươn lên, vượt qua hoàn cảnh gì cả, chỉ cần bạn chăm chỉ sẽ không thể chết đói được, thậm chí là có cuộc sống hoàn toàn ổn. Chỉ đơn giản như việc làm ở nhà hàng, siêu thị, thậm chí làm bán thời gian thôi cũng cho bạn thu nhập đủ để trang trải nhà cửa, đồ ăn thức uống đầy đủ rồi. Chính phủ cũng có nhiều trợ cấp để giúp đỡ thêm nếu bạn cần. Chỉ có những người lười biếng mới trở thành các đối tượng như vậy mà thôi. Đối tượng duy nhất mình cảm thấy thương đó là trẻ em. Mình thực sự buồn và thương cho các em bé phải sống cùng với bố mẹ như vậy.

Kể sơ sơ là như vậy, sau vài năm sống và làm việc ở đây, mình thay đổi hoàn toàn cái nhìn về người da trắng, hay ở VN mình vẫn gọi là tây. Trước đây mình thần tượng họ/ xã hội các nước phát triển bao nhiêu thì giờ đây mình phần nào hạ thấp cái nhìn về họ bấy nhiêu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến gia đình mình quyết định trở về VN lần này. Ở đâu mình cảm thấy thoải mái, cảm thấy thuộc về vẫn là đúng đắn nhất. Nếu chỉ là 1-2 năm đầu thì có thể gọi là còn đang trong giai đoạn làm quen, bỡ ngỡ, nhưng đã 4 năm rồi thì mình đoán là thành phố này không dành cho mình. Lần trước sau 4-5 năm ở Sài Gòn, mình thấy Sài Gòn tốt hơn, dễ sống hơn Hà Nội, mình muốn ở lại lâu dài. Lần này sau 4 năm ở Canada, mình cảm thấy Canada chưa được tốt bằng Sài Gòn và không có gì giữ chân mình ở lại.