Mình muốn thay đổi công việc!

Mình muốn thay đổi công việc!

Ở bài viết trước, mình đã nhắc tới một công cụ khá hữu ích khi cân nhắc thay đổi công việc. Sau đây mình sẽ áp dụng cho công việc hiện tại của mình để làm ví dụ.

Trước tiên, xin nhắc lại 3 yếu tố cần cân nhắc khi thay đổi công việc:

  1. Khả năng học hỏi, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm.
  2. Lương, thưởng, chế độ phúc lợi đi kèm với công việc.
  3. Khả năng thăng tiến, lên chức, đi kèm với các mối quan hệ.

Áp dụng cho công việc hiện tại của mình như sau.

1.      Khả năng học hỏi, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm.

 Ở vị trí công việc hiện tại, tất cả kiến thức, kĩ năng của mình đều là tự học mà có. Sếp mình là một vị trí khác hoàn toàn, có thể nói là không liên quan đến công việc của mình. Cụ thể sếp mình là Business Improvement Lead. Công việc và chuyên môn của mình thiên hướng về IT, cụ thể hơn là systems support và business analyst. Trước đây mình làm về Business nhiều nên mình có insight khá tốt và nắm bắt nhanh về quy trình, công việc của sales. Do đó khi áp dụng sang Business Analyst, con đường của mình khá thuận lợi. Về công việc của sếp mình, nó thiên về quy trình, cải tiến các quy trình trong công ty, tìm ra những điểm bất cập, chưa hoàn thiện để tinh gọn bộ máy, giúp cho công ty vận hành hiệu quả hơn. Có một số điểm liên quan để mình và sếp có thể làm cùng nhau trong nhiều projects.

Như vậy, nếu thuần túy về mặt kĩ thuật thì mình không học hỏi thêm được gì từ sếp cả. Sếp không thể dạy mình cũng như định hướng cho mình đường hướng phát triển sự nghiệp khi theo con đường IT.

Về mặt kinh doanh, business insight, sếp của chưa thể bằng mình vì mình đã có hơn 5 năm kinh nghiệm tại các tập đoàn đa quốc gia. Sếp chỉ mới làm cho công ty này mà thôi, chưa hề có kiến thức, kinh nghiệm với các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Đó là điểm đầu tiên làm mình rất đắn đo và cảm thấy chưa thật sự hài lòng với công việc hiện tại. Mặc dù về tính cách, độ nhanh nhạy thì sếp mình rất tốt bụng và cũng rất thông minh. Khả năng ngoại giao và political trong công ty cũng rất tốt.

2.      Lương, thưởng, chế độ phúc lợi đi kèm với công việc.

Vấn đề này thì dễ rồi, có con số đong đếm được nên không có gì lăn tăn. Mặc dù vị trí của mình lương không thấp so với mặt bằng ở tỉnh bang này và so với các đồng nghiệp trong công ty, nhưng mình vẫn thấy không đủ và chưa thật sự hài lòng. Thậm chí, ở Việt Nam mình còn có mức lương cao hơn hiện tại. Mình hiểu rằng so sánh là khập khiễng vì còn nhiều yếu tố khác để cân nhắc nhưng vì đang ở mục này nên mình cần đem ra để lên bàn cân.

Một điều nữa là chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ ở Canada khiến cho lương của mình gần như là hết sạch ngay khi nhận để trả các khoản phí cố định (mortgage nhà, xe, điện, nước, bảo hiểm v.v..) Hiện tại số tiền saving của hai vợ chồng khá giới hạn. Mặc dù điều này ko phải là vấn đề quá lớn, nhưng mình vẫn có chút lo lắng nếu có gì bất thường trong tương lai.

3.      Khả năng thăng tiến, lên chức, đi kèm với các mối quan hệ.

Mình không phải là một người giỏi quan hệ ngoại giao, đó là điều mình biết rõ bản thân. Mình có thể tỏ ra hướng ngoại, nhưng thực tế bản thân không muốn như vậy. Mình có chút khả năng đọc hiểu người khác, tức là mình biết trong 1 cuộc đối thoại, người đối diện thích nghe gì hoặc thích nói về chủ đề gì. Xa hơn 1 chút nữa, mình tự nhận thấy có khả năng đánh giá một người sau vài lần trò chuyện với họ. Mình sẽ phần nào đó đoán ra được họ là người có tính cách thế nào, suy nghĩ, kiến thức nông hay sâu, có thực tài hay chỉ giỏi ba hoa nói chuyện. Nếu tiếp xúc trong một khoảng thời gian thì tới 90% suy đoán ban đầu của mình sẽ được kiểm chứng và xác nhận thêm các yếu tố khác. Chính vì điều này, mình cảm thấy không thoải mái để nói chuyện phiếm, tỏ ra vui vẻ, hào hứng, hay nói cách khác là “thảo mai” với những người mình không thích, những người có tính cách cực đoan, lười biếng, ích kỉ, hóng chuyện drama, không lo lắng cho lợi ích cộng đồng mà chỉ vì lợi ích bản thân. Mình rất ghét những người như thế, và không có cách nào thuyết phục bản thân tỏ ra thảo mai với họ để lấy lợi ích về mình được. Mình thật sự nể những người mà biết rằng trong thâm tâm ko hề có cảm tình với đối phương nhưng ngoài mặt vẫn niềm nở chào hỏi như thân thiết lắm vậy. Mình thì không làm được như thế.

Nói về công việc hiện tại, vị trí của mình phải qua 1 cầu nối với bộ phận IT, và người phụ trách việc này khiến mình không thể nào yêu thích công việc được. Ngoài ra, sau đây là những điều khiến mình không hài lòng về bộ phận IT và mình không muốn tiếp tục sự nghiệp của mình với bộ phận này:

-        Hạn chế khả năng truy cập, quyền thực hiện trên hệ thống mặc dù các tài khoản đc tạo ra với những mục đích đó???

-        Tỏ ra hiểu biết, senior và giấu nghề, không chỉ dẫn cho người khác vì sợ người ta biết đc thì sẽ giỏi hơn mình, ma cũ bắt nạt ma mới. Mình tưởng điều này chỉ có ở mấy người lớn tuổi, thế hệ trước ở các doanh nghiệp nhà nước, ai dè sang Canada rồi vẫn gặp kiểu người này.

-         Chậm chạp, những task nhỏ theo mình tối đa 30p là xong cũng kéo dài tới vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng.

-        Hạn chế khả năng tiếp cận tới các công nghệ mới. Theo lý thuyết, IT nên là những người khuyến khích, tìm cách ứng dụng các công nghệ mới để tăng năng suất cho công ty, nhưng ở đây thì ngược lại. Những công nghệ mới mà thế giới dùng vài năm rồi thì ở đây mới bắt đầu thử nghiệm trên phạm vi cực nhỏ, hạn chế truy cập tối đa. Nếu 1 người muốn dùng thì phải qua 7749 lần phê duyệt tới 5-6 tháng mới xong. Khi đó thì yêu cầu từ phía đội ngũ kinh doanh hay khách hàng đã mất rồi.

-        Sử dụng phần mềm, công nghệ đóng. Với những phần mềm này, khi bạn trỏ thành “expert” của nó thì bạn cũng ko thể ứng dụng ở bất kì đâu khác. Nếu công ty thay đổi platform, thay đổi phần mềm, bạn trở thành vô dụng vì những gì bạn tích lũy hàng năm trời giờ không có ích gì cả. Khả năng thay đổi, bị thay thế là chắc chắn đối với những phần mềm dạng này.

Có thể nói, bộ phận IT của công ty đã làm mình thay đổi hoàn toàn khái niệm về nhân viên IT mà mình từng biết. Đối với mình, nhân viên IT dù bất kì vị trí nào, từ BA tới Coder, Tester, Product… đều là những người thông minh nhanh nhẹn, đặt ưu tiên của business lên hàng đầu và luôn mong muốn thay đổi, áp dụng những gì mới nhất, tốt nhất để phục vụ cho công việc. Do đó, mình không muốn thăng tiến vào môi trường này và cũng không muốn làm việc với những con người như vậy nữa.

Trên đây là những yếu tố khiến mong muốn thay đổi công việc của mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mình sẽ có thêm bài viết khác chia sẻ về công ty và tập đoàn mà mình đang làm việc sau. Minh chưa biết công việc tiếp theo của mình hay môi trường làm việc sẽ thay đổi thế nào, nhưng mình chắc chắn biết rằng mình không muốn tiếp tục ở đây nữa.